Tháo gỡ điểm nghẽn quy hoạch titan ở Bình Thuận
Khoảng 8 năm qua, do vướng quy hoạch khoáng sản titan và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nên hàng chục dự án ở nhiều lĩnh vực tại tỉnh Bình Thuận – nơi có trữ lượng titan lớn nhất cả nước đã phải bất động, gây lãng phí lớn. Nghị định 51/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia vừa được Chính phủ ban hành đã khơi thông điểm nghẽn này để tỉnh Bình Thuận phát triển.
Hàng loạt dự án nằm chờ
Theo Sở TN-MT Bình Thuận, Quyết định (QĐ) số 654 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự trữ khoáng sản quốc gia đã khoanh định 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (đến năm 2020) cho 10 loại khoáng sản, trong đó có tới 23 khu vực dự trữ khoáng sản titan chủ yếu tập trung tại tỉnh Bình Thuận.
Hầu hết khu vực dự trữ titan ở tỉnh Bình Thuận lại phân bố dọc ven biển, nơi có điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án được xem là thế mạnh của địa phương như du lịch, năng lượng tái tạo… QĐ654 mới chỉ khoanh định các diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, mà chưa đủ cơ sở để triển khai các dự án trên bề mặt.
Do vậy, khi xem xét QĐ chủ trương đầu tư các dự án trên bề mặt, tỉnh Bình Thuận gặp nhiều khó khăn do chưa đủ cơ sở pháp lý. Điều này dẫn đến trong thời gian qua, 33 dự án đã được chấp thuận đầu tư và 66 dự án được tỉnh Bình Thuận đề nghị cấp phép đầu tư không thể triển khai do bị chồng lấn với quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia.
Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết, chỉ tính đến năm 2020, qua rà soát, địa phương có tới 19 dự án điện gió chồng lấn với quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan nên không thể triển khai.
Không chỉ vậy, quy hoạch dự trữ khoáng sản nêu trên còn ảnh hưởng đến hàng chục dự án du lịch được xem là có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận.
“Theo định hướng của Quy hoạch phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Né đã được Chính phủ phê duyệt, nhiều dự án được triển khai sẽ cung ứng cho thị trường những sản phẩm du lịch chất lượng. Tuy nhiên, việc chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch khai thác titan chậm được tháo gỡ đã gây ảnh hưởng đến việc kêu gọi, triển khai các dự án du lịch mang tính chiến lược nói trên”, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân nhấn mạnh.
Gỡ khó
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết, nếu khai thác titan ở những khu vực gần khu dân cư, khu du lịch, bờ biển sẽ có nguy cơ gây sạt lở, lũ cát, cạn kiệt nước ngầm… ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, cảnh quan, đời sống người dân và các hoạt động kinh tế; đồng thời còn tạo ra những bức xúc trong dân, mâu thuẫn lợi ích đối kháng giữa nhà đầu tư dự án khác nói chung và du lịch nói riêng với đơn vị khai thác titan… Trước đây, do vướng quy hoạch titan nên mặc dù có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án trên khu vực này, nhưng tỉnh chưa thể chấp thuận, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Tín hiệu mừng với tỉnh Bình Thuận là ngày 1-4-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 51 về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Trong đó, các quy định mới sẽ cho phép tỉnh Bình Thuận thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (dự án được chấp thuận trong vòng 50 năm, không quá 70 năm tại nhưng nơi dự trữ); đồng thời cho phép điều chỉnh diện tích, đưa ra ngoài diện tích vùng dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.
“Nghị định 51 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với địa phương, giúp tháo gỡ nút thắt trong phát huy tiềm năng đất đai, tạo thuận lợi trong chính sách mời gọi đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương”, ông Dương Văn An chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Bình Thuận, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục xây dựng thêm một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án khu du lịch, khu vui chơi, giải trí ven biển mang tầm quốc gia; chú trọng hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, tổ chức đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.